Sở dĩ chọn tre tứ quý vì đây vốn là cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, Cầu Khởi lại là vùng đất không úng nước, chất đất hợp với sinh trưởng của măng. Bằng quan sát của anh bấy nay, hom tre tứ quý đặt vào đất là bén rễ, xanh tươi, ít cần phân bón hay tưới tắm như các loài cây khác.
Còn một lý do để anh chọn cây măng tre tứ quý cho mục đích thoát nghèo, đó là thời gian từ khi trồng đến thu hoạch măng chỉ tầm 6 đến 7 tháng, trong khi anh đang rất cần những khoản thu nhập “nóng” để trang trải cho những thua lỗ do canh tác không phù hợp trước đây. Với những người không trường vốn như anh và khi nguồn vốn đầu tư cơ bản từ việc vay ngân hàng chính sách xã hội của huyện thì việc “tiền liền tay” cũng mang lại cảm giác an toàn hơn.
Cái cảm giác an toàn ấy, theo anh, nó được nhân lên khi mỗi lần đi thăm vườn tre tứ quý, chứng kiến dưới bóng tre râm mát và tiếng lá lao xao là những búp măng mập mạp đội đất lên, mười búp như một, khỏe khoắn đón ánh mặt trời. Nhìn cây, anh thấy vui vì đất đai đã mở lòng ra với anh.
Đúng là cây tre tứ quý chịu khó chịu thương và dễ tính như người nông dân, nhưng đó chỉ mới đúng một phần và đúng với những người trồng tre tứ quý để giữ đất, chứ chưa hẳn đúng với việc trồng tre để lấy măng. Nghĩ vậy, bắt tay vào đầu tư, anh tìm đến sách vở học cách chăm sóc sao cho cây tre sinh ra những búp măng to, đẹp. Trước khi găm nhánh tre để trồng, anh cho đào hố sâu khoảng 60cm rồi bón lót phân chuồng. Với đặc tính tán rộng, rễ chùm ăn nông và ưa nắng, anh đã tính khoảng cách để mỗi hố trồng cách nhau khoảng 3m, mỗi hàng tre cách nhau 7m, là khoảng cách đủ cho cây đón nắng, hút dưỡng chất và phát triển đều.
Các gốc tre tứ quy được bố trí cách nhau để cây đủ dưỡng chất và không gian phát triển
Sau khi hạ các hom tre, anh bắt đầu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm khắp vườn. Chỉ cần một động tác cắm máy bơm, bật công tắc điện là hệ thống tưới tự động đủ sức tưới không sót một gốc nào. Một gốc tre đủ dưỡng chất và nước trong quá trình sinh sản sẽ cho những búp măng không chỉ mập mạp mà còn có độ mượt nhưng đủ giòn, vị bùi hơn những búp măng thiếu chất, mọc tự do.
Quy tắc bón phân hay tưới nước đều phải phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của tre tứ quý Ví dụ vào mùa nắng, phải đảm bảo đủ nước tưới cho tre. Mùa mưa là thời điểm người nông dân trồng tre lấy măng phải cắt cành, tỉa nhánh cho tre để tạo vườn thông thoáng. Bón phân cũng phải theo định kỳ chứ không thể bạ sao làm vậy, bón trước ươm hom đã đành, thu hoạch xong khoảng 2 tháng tiếp tục dùng phân chuồng bón gốc tre, 10 ngày sau bón phân thì rải diêm chống thối đất…
Rồi quá trình sinh trưởng và thu hoạch phải quan sát cây, khi thấy chồi măng nhú lên khỏi gốc tre là phải lấy rơm ủ lại để cây măng không bị côn trùng phá hoại. Măng tre đến độ thu hoạch cũng cần con người để mắt tới, thu hoạch non ngày thì năng suất giảm, nhưng chỉ trôi đi vài bữa, nếu gặp mưa, cây măng phát triển nhanh thì lại trở thành măng già, kén người mua. Thời gian kể từ lúc nhú đến thu hoạch tầm dăm sáu ngày, để tiện bỏ “mối” cho ra tấm ra món và phù hợp với lượng tiêu thụ, cứ 2 ngày anh Sốp cho thu hoạch một lần…
Tùy vào mùa mà giá măng dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, trừ hết chi phí công sức phân gio, lợi nhuận từ trồng tre tứ quý lấy măng mang lại cho anh từ 15 đến 20 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm, vườn trồng tre lấy măng sẽ cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng.