Những Câu Chuyện Linh Thiêng Về Mộ Chị Võ Thị Sáu Côn Đảo
Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng, trong đó có chị Võ Thị Sáu - người con gái Đất Đỏ anh hùng. Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương đông nghịt người nhưng yên ắng và trang nghiêm đến lạ thường. Lẫn trong tiếng gió lao xao là tiếng nhạc của bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vang lên xúc động và thiêng liêng.
Theo lời của hướng dẫn viên du lịch cho đoàn công tác, chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Chị nổi tiếng với những chiến công diệt ác, trừ gian táo bạo, chị bị bắt đầu năm 1950.
Nữ hướng dẫn viên du lịch cho biết, ngày trước, trước mộ chị Võ Thị Sáu có một cây dương già bị khô phần ngọn, chỉ còn gốc cây và một nhánh dương tươi tốt vươn thẳng về phía Bắc. Người dân bảo đó là hương hồn chị Sáu hướng về phía Bắc, về Bác Hồ…
Riêng trong tâm thức của người dân Côn Đảo, chị Sáu như một “vị thần” nên hằng ngày, nhất là vào mồng 1 và ngày rằm, họ đến đây thắp hương mong chị Sáu phù hộ để gặp nhiều may mắn, an yên trong cuộc sống. Những ngày công tác, thăm quan trên Côn Đảo, tôi nhận thấy rằng, nhiều người dân trên đảo đều thờ phụng và thành kính gọi là “cô Sáu”.
Nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu trong tâm thức người dân Côn Đảo đã được thiên hóa như một vị nữ thần, để bảo vệ muôn mặt đời sống của người dân nơi xứ đảo, cũng như hàng ngàn ngư dân hàng năm ghé vào đây tránh sóng bão. Và hiện nay trên Côn Đảo cũng có một con đường mang tên Võ Thị Sáu. Hằng năm vào ngày 23/1, Đảng và Nhà nước, chính quyền, quân dân huyện Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ cho chị Sáu rất là long trọng và đầy lòng thành kính như giỗ một người thân trong gia đình.
Một lần đặt chân đến Côn Đảo, được nghe những huyền thoại về chị Võ Thị Sáu, tôi cứ miên man nghĩ về sự tồn tại vĩnh hằng của con người. Tôi xin phép được gọi anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu là chị, bởi lẽ, chị mất khi chị mới bước sang tuổi 19 - tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của người con gái. Và trong tâm thức của tôi cũng như bao lớp người Việt Nam, chị Sáu mãi mãi tuổi 19. Và bài viết của tôi như một nén nhang thơm thắp lên mộ phần nơi chị yên nghỉ muôn đời.
Những chuyện lạ có thật nơi đảo thiêng và sự trừng phạt đến khó tin
Trong bài viết “những chuyện lạ có thật nơi đảo thiêng và sự trừng phạt đến khó tin” của tác giả Phúc Lập, đăng trên báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam ngày 08/02/2017 đã kể lại một số chuyện lạ như sau:
Chuyện lời hứa
Ông Lê Hữu Hòa, cán bộ kiểm lâm Côn Đảo kể về câu chuyện đời mình:
“Tôi năm nay 57 tuổi, tính đến nay, đã có 33 năm công tác trên đảo. Hồi đó, tôi không làm kiểm lâm, mà là giáo viên ở đất liền, được “biệt phái” ra dạy bổ túc văn hóa. Sau đó, trời xui đất khiến, tôi “phải lòng” một cô học trò trong lớp, cũng là một viên chức công tác ở huyện. Sau khi học xong lớp bổ túc này thì chúng tôi nên duyên vợ chồng.
Nhưng sau đó, chúng tôi mãi chẳng có con, tôi mới đánh liều khấn thầm là nếu các vị anh hùng trên đảo linh thiêng phù hộ, cho tôi một đứa con thì tôi tình nguyện ở lại đảo không phải vài 3 năm như kế hoạch mà 30 năm cũng được. Ai ngờ sau đó chúng tôi có con thật. Rồi bên kiểm lâm thiếu nhân sự, điều tôi sang. Thời gian cứ thế cuốn đi, quay qua quay lại, hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn ở đây. Không biết có phải do trùng hợp hay lời khấn nguyện của tôi linh ứng?”
Chuyện những tên trộm bỏ xác trên biển
Điều đặc biệt trên Côn Đảo là những chiếc xe máy không bao giờ phải khóa, có thể để ở bất kỳ đâu mà không có người trông coi. Lý giải về vấn đề này cũng có nhiều câu chuyện dài. Ông Lê Minh Chương (Sáu Chương), nguyên cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin huyện Côn Đảo, một trong 7 cựu tù Côn Đảo còn trụ lại hòn đảo này kể câu chuyện:
“Hồi đó, chú nhớ là năm 1990, trên đảo còn khó khăn lắm. Không chỉ khó khăn về vật chất, mà cả tinh thần cũng thiếu thốn. Ra đây chẳng khác nào Robinson trên đảo hoang. Mỗi 2 tháng tàu mới ra tiếp tế 1 lần, ấy là khi sóng yên biển lặng.
Cả đảo chỉ có 1 chiếc ti vi rất to. Rồi có một anh bạn của chú, khi đó công tác ở huyện Duyên Hải (Cần Giờ, TP.HCM ngày nay – PV), ra thăm đồng đội, thấy tình cảnh trên đảo như vậy thì thương. Thế là anh ấy về huy động nhiều nơi mua được 2 chiếc xuồng gắn máy nhỏ, mang ra tặng đảo để làm phương tiện đi lại giữa các đảo nhỏ, khi cần kíp thì có phương tiện tức thì. Mọi người mừng lắm.
Hai chiếc xuồng neo đậu ở bến tàu 914, làm mái che hẳn hoi. Nhưng chỉ buộc dây thôi chứ chẳng có bảo vệ gì, vì có ai nghĩ sẽ bị mất trộm đâu. Ấy vậy mà mất thật…Sau một ngày quần quanh các đảo, anh em tìm thấy 3 người chết đuối trôi dạt vào mấy đảo nhỏ, ngoài những vết thương do cá rỉa, cả 3 đều mất cả 2 bàn tay. Rồi hôm sau, lại thấy 2 chiếc xuồng nổi lập lờ gần đó. Đó chỉ là một trong số những chuyện xảy ra trên đảo mà tôi chứng kiến. Nhưng có điều chắc chắn rằng nếu lên đảo mà làm bậy, thì thế nào cũng gặp hậu quả.”