Đầu tiên, khi được một người bạn tặng cho quyển sách này, tôi rất ấn tượng với cái tên của nó - “Đừng bao giờ đi ăn một mình”. Một cái tên đủ để gây tò mò, và cũng đủ để nói lên nội dung của quyển sách – xây dựng mạng lưới hoặc chết. Quan điểm của Keith Ferrazzi là trong “thời đại nối kết”, những người “đi ăn một mình” sẽ thất bại. Thật vậy, tác giả đã nêu ra một loạt dẫn chứng về những người thành công, những bậc thầy trong việc xây dựng mối quan hệ như Bill Clinton, Katharine Graham, Abraham Lincoln, Benjamin Franklin,… Và trong đó còn có cả Dale Carnegie – tác giả quyển sách bán chạy nhất mọi thời đại để thành công – Đắc nhân tâm. Nếu như trong Đắc nhân tâm, Dale Carnegie trình bày cho chúng ta những bài học quý giá để giao tiếp hiệu quả thì trong “Đừng bao giờ đi ăn một mình”, Keith Ferrazzi lại vừa áp dụng những phương pháp đó trong xây dựng mối quan hệ, vừa thể hiện những quan điểm mới mẻ, những kỹ năng và kinh nghiệm từ chính thành công của ông.
Tác phẩm gồm 4 phần, được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu và rất thực tế. Đầu tiên, trong phần 1, Keith Ferrazzi giúp người đọc “Xác định quan điểm”, hiểu được vai trò và lợi ích của việc xây dựng mạng lưới từ những câu chuyện của chính mình. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó, có cha là công nhân nhà máy thép và mẹ là lao công. Tuy nhiên, nhờ nghệ thuật xây dựng mối quan hệ tuyệt vời, Ferrazzi đạt được những thành công đáng khâm phục: giành học bổng của Đại học Yale; tốt nghiệp MBA tại Havard; giữ những chức vụ quan trọng tại Deloitte, Yaya Media; CEO tại Ferrazzi Greenlight; được vinh danh trên nhiều tạp chí và Diễn đàn kinh tế thế giới…
Trong phần 2: “Các kỹ năng”, Keith Ferrazzi chỉ ra những kỹ năng quan trọng trong xây dựng mối quan hệ. Đó là: soạn bài tập ở nhà (tìm hiểu thông tin, chuẩn bị câu hỏi trước khi gặp một người quan trọng), hâm nóng những cuộc gọi lạnh (thường xuyên giữ liên lạc, hỏi thăm, quan tâm đến mạng lưới của mình), đừng bao giờ đi ăn một mình (luôn tương tác, giữ vị thế, thể hiện bản thân với các mối quan hệ), hay nghệ thuật nói chuyện xã giao và nhiều kỹ năng khác.
Phần 3: “Biến nối kết thành bạn đồng hành”, tác giả phân biệt rõ ràng giữa xây dựng mối quan hệ một cách hợp lý với làm quen một cách tràn lan, đại trà.
Cuối cùng, trong phần 4: “Trao đổi – cho và nhận”, Keith Ferrazzi nhấn mạnh việc thể hiện bản thân, xây dựng và quảng cáo thương hiệu cá nhân, tìm người đỡ đầu, không bao giờ kiêu căng,… Phần này còn giúp người đọc hiểu rằng để xây dựng mối quan hệ hiệu quả thì cần có sự kiên trì, khiêm tốn, chịu khó học hỏi người đỡ đầu, cùng với sự chân thành, thiện chí và sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong mạng lưới của mình.
Sau tất cả, một trong những bài học quan trọng nhất mà Đừng bao giờ đi ăn một mình mang lại là cần hiểu rõ bản thân mình như thế nào. Có thể bạn hoặc tôi hoặc gần 1/3 thế giới là người hướng nội – những người luôn bị đánh giá thấp hơn so với phía đối diện, người hướng ngoại. Nhưng trong thời đại nối kết, chúng ta cần thay đổi, không phải để trở thành một con người hoàn toàn khác mà là bổ sung những gì bản thân còn thiếu sót, sữa chữa những sai lầm và tối ưu hóa ưu điểm của chính mình.
Trong học tập, công việc, cuộc sống hay bất kỳ mối quan hệ nào, người “đi ăn một mình” dường như luôn chịu thiệt. Vì thế, quyển sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình” không chỉ giới thiệu những bài học bổ ích mà nó còn truyền một nguồn cảm hứng bất tận cho những ai luôn khao khát hoàn thiện bản thân. Hy vọng rằng sau bài viết này, bạn sẽ tìm đọc quyển sách thú vị này và hãy cố gắng: Đừng bao giờ đi ăn một mình!