Sức Mạnh Lòng Kiên Nhẫn (Tái Bản 2018)
Dường như thế giới chúng ta đang sống ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy không ngừng của sự bận bịu hối hả, chứa đựng bao hệ luỵ của đời sống công nghiệp hiện đại. Công việc chất chồng, ra đường thì kẹt xe và khói bụi, điện thoại kêu inh ỏi cả trong giấc ngủ Tất cả những điều này có vẻ đã trở thành một phần không thể chối bỏ của cuộc sống ngày nay. Hơn lúc nào hết, con người cảm thấy mình cần một trạng thái bình yên, một cảm nhận hạnh phúc – một hạnh phúc không mâu thuẫn với sự thành đạt đòi hỏi sự nỗ lực hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta.
Sức mạnh của lòng kiên nhẫn của M.J.Ryan sẽ mang đến giải pháp cho những vấn đề trên. Tác giả nhận thấy rằng những đức tính cao đẹp muôn thuở luôn có sức mạnh đem lại ánh sáng và tình yêu cho cuộc đời chúng ta. Trong cuốn sách này, Ryan sẽ tiết lộ cho chúng ta thấy bằng cách nào mà lòng kiên nhẫn có thể giúp ta làm chậm lại nhịp sống và ngày càng có những cảm nhận tốt đẹp hơn về chính mình. Sự kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta phát huy tối đa năng lực bản thân, cho ta khả năng chiến thắng những cơn nóng giận khiến ta phải hối tiếc sau này, giúp ta có sức mạnh theo đuổi và đạt được những điều lớn lao tưởng chừng vượt ngoài tầm với.
Ryan biết rất rõ nếu chỉ cố gắng kiên nhẫn thôi thì chưa đủ. Bà còn chia sẻ với chúng ta một thái độ cần có để giúp ta luôn có thể duy trì và củng cố lòng kiên nhẫn. Nếu bạn mong đợi bản thân tiến dần đến sự hoàn thiện và luôn luôn học hỏi, nếu bạn nhận thấy giá trị của việc kiên trì gỡ rối một vấn đề thay vì chỉ đơn giản né tránh nó, và nếu bạn ý thức rằng còn có nhiều cách giải quyết khác nhau cho cùng một sự việc thì lòng kiên nhẫn của bạn sẽ tăng dần theo thời gian cùng với hạnh phúc thật sự trong hiện tại. Và cao hơn hết là cảm giác mãn nguyện, hài lòng với chính mình.
Trích đoạn sách hay
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP LÒNG KIÊN NHẪN
Cách ngắn nhất và chắc chắn nhất để sống trong danh dự trên thế gian này là hãy thành thật với bản thân trong mỗi biểu hiện và hành vi của mình; tất cả đức hạnh của con người đều tự lớn lên bằng chính sự rèn luyện và trải nghiệm của chúng ta.
– Socrates
Điểm mấu chốt trong việc rèn luyện lòng kiên nhẫn chính là tăng sự tự nhận thức về bản thân. Một nghiên cứu về não bộ mới đây cho thấy thời gian chênh lệch giữa rung động xung thần kinh và phản xạ là nửa giây. Nhận thức giúp tăng khoảng thời gian này lên nửa giây nữa. Nói cách khác, sự nhận thức làm tăng gấp đôi thời gian giữa xung thần kinh và hành động phản xạ. Nửa giây đó là khoảng thời gian dành cho lòng kiên nhẫn. Nếu không có khoảng dừng tưởng như rất ngắn ngủi đó, chúng ta sẽ hành động theo sự điều khiển của phần não bộ cảm xúc. Phần não bộ này chỉ quan tâm đến việc đạt được ngay lập tức những gì ta muốn mà không cần biết đó có phải là điều đúng đắn nhất cho bản thân chúng ta hay không.
Tất cả những phương thức luyện tập được đề xuất ở đây đều nhằm giúp bạn tăng sự tự nhận thức. Và nó sẽ hỗ trợ để bạn có nhiều lựa chọn hơn. Đây là một quá trình rất có ý thức, giúp nhận biết về xung thần kinh của chúng ta. Đầu tiên, bạn phản xạ theo thói quen vội vã nhưng sau đó lại chọn thái độ kiên nhẫn để thay vào. Nếu chúng ta luyện tập càng nhiều thì việc kiên nhẫn sẽ càng trở thành thói quen, cho tới khi trí óc chúng ta tự động chọn thái độ kiên nhẫn khi có sự việc xảy ra mà thậm chí không còn để ý đó là lựa chọn nữa!
THẲNG THẮN VỚI BẢN THÂN
Có những việc tốt hơn sẽ đến khi chúng ta không chống cự, khi chúng ta không chán ghét bản thân vì những điều mình đã làm, khi chúng ta mở lòng ra…
– Sharon Salzberg
Cách đây vài năm, tôi có đọc qua tác phẩm The Path of Least Resistance (Con đường dễ nhất) của Robert Fritz. Công việc của Fritz là nghiên cứu về những thay đổi có ý thức: làm thế nào mà con người hay tổ chức có thể thay đổi mục tiêu của họ. Theo ông, dựa trên những định luật vật lý thì việc này rất đơn giản. Chúng ta bắt đầu bằng việc tự xem xét mục tiêu của mình là gì và thẳng thắn nhìn nhận xem hiện tại mình đang ở đâu trên con đường chinh phục những mục tiêu đó, không bị tác động bởi bất kỳ sự đánh giá chủ quan hay chỉ trích nào. Vì vậy để bắt đầu tu dưỡng thêm tính kiên nhẫn, trước tiên chúng ta phải xác định được chúng ta hiện đã kiên nhẫn tới mức độ nào.
Fritz tin rằng chẳng có ích gì nếu chỉ nói mơ hồ rằng bạn muốn có “thêm” kiên nhẫn, bởi vì “thêm” chính xác là bao nhiêu? Làm thế nào bạn đo được lòng kiên nhẫn? Để biết được bạn đang ở đâu và bạn muốn đi tới đâu, bạn cần có một vài phương pháp để định lượng. Vì kiên nhẫn không phải là thứ mà bạn có hay không có, nó là một phẩm chất mà bạn biểu lộ nhiều hay ít vào thời điểm nào đó nên chúng ta có thể định cho nó một mức độ trong khoảng từ –5 đến +5, với –5 là mức mà bạn ít kiên nhẫn nhất và +5 là mức kiên nhẫn cao nhất của bạn.
Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn. Những hành vi và cảm xúc nào mà bạn chỉ đạt –5? Những hành vi và cảm xúc nào mà bạn đạt được +5? Một điểm –5 cho tôi vì đã ném đồ đạc và chỉ trích ai đó. Đó như cảm giác về một cơn thịnh nộ vừa xảy ra mà tôi không thể kiểm soát được. Một điểm +5 cho thái độ bình tĩnh của tôi khi mà Ana – con gái tôi – cứ rề rà trong khi tôi phải đưa con bé tới trường và có mặt ở cuộc họp trong 20 phút nữa, nhưng tôi vẫn bỏ thời gian để ghi nhận những điều bé nói.
Bây giờ hãy thiết lập hai giới hạn cho thước đo của chính bạn. Bạn thường ở tại điểm nào và tại đâu thì bạn dùng hầu hết thời gian của mình? Đối với tôi, tôi thực sự thích mức 4,5 và tôi biết chắc mình chỉ đang ở mức 2 điểm.
Khi thành thật với bản thân về khả năng của mình và mức độ mình mong đợi, chúng ta nhận ra rằng có một khoảng cách giữa hai mức đó. Khoảng cách đó, theo Fritz, là một điều tốt. Ông gọi đó là áp lực sáng tạo, vì nó tạo điều kiện để những điều mới mẻ sản sinh ra một năng lượng mới giúp bạn đạt được mong ước của mình. “Thậm chí bạn không phải lo lắng về việc điều đó sẽ xảy ra chính xác như thế nào.” – Fritz nói. Hãy thẳng thắn nhìn nhận sự thật về hiện thực của bạn (mà không nhiếc móc bản thân mình), giữ nguyên mục tiêu của bạn khi cố gắng làm gì đó, và lưu ý những điều đang xảy ra.
Hãy thử thực hành và xem xét. Tính hai con số của bạn và viết chúng ra. Thử nghiệm những rèn luyện này cho những việc mà bạn cảm thấy buồn hay lo lắng. Sau đó một tháng hãy kiểm tra lại (Bạn sẽ phải tốn thời gian để làm việc này đấy!). Và hãy xem hai số điểm của bạn bấy giờ thế nào?
KHỞI ĐỘNG NGÀY MỚI
Sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức rèn luyện để hiểu rằng: cách mà chúng ta bắt đầu một ngày sẽ là khởi đầu cho những việc khác trong ngày.
– Tracy D. Sarriugarte và Peggy Rowe Ward
Một người bạn là giáo viên mẫu giáo đã chia sẻ với tôi điều bí mật vĩ đại nhất trong công việc thiêng liêng làm cha làm mẹ của mình: “Hãy dành ra 20 phút tập trung bắt đầu buổi sáng cho con bạn mà không có bất cứ lịch trình nào khác có thể xen vào. Như thế, phần thời gian còn lại trong ngày của bạn sẽ trôi qua một cách êm ả. Bạn sẽ ít gặp rắc rối trong việc chuẩn bị cho con đến trường, ít gặp phải cảnh bé bám chặt lấy bạn khi bạn đưa bé vào lớp và sẽ ít mâu thuẫn vào cuối ngày”. Tôi làm theo lời khuyên của cô và đạt được hiệu quả thật đáng kinh ngạc. Khi tôi báo lại kết quả, cô cười và bảo rằng tôi sẽ còn rất ngạc nhiên nếu biết có nhiều bậc cha mẹ than thở với cô rằng họ bận đến mức không thể có 20 phút để dành cho con. Nhưng họ đã không thể yên ổn trong cả ngày làm việc của mình và kết thúc một ngày bằng việc cãi nhau với con!
Đối với tôi, đây là bài học về sự chọn lựa giữa việc tiêu một xu khôn ngoan thay vì phải mất cả đồng một cách ngốc nghếch. Nó cũng khuyên ta cách để có được một tinh thần lạc quan vào buổi sáng và khiến cho mọi việc diễn ra suôn sẻ cả ngày. Rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ , tâm sự với tôi rằng khi bỏ ra 10 phút cho bản thân mỗi sáng thức dậy, họ cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Nhưng phần lớn chúng ta thiếu kiên nhẫn vì bị cuốn vào quá nhiều việc khác nhau, đến nỗi ta không còn thời gian để quan tâm đến bản thân. Đó cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta hay nổi nóng với mọi người – rồi tự lừa dối mình và đổ lỗi cho người khác!
Ngay bây giờ, hãy bỏ ra ít phút để xác định khi nào và ở đâu bạn có thể tìm ra thời gian để tự khởi động vào mỗi buổi sáng. Tôi dự định sẽ dậy trước Don và Ana để tận hưởng khoảng thời gian nằm dài trên giường mà không bị bất kỳ sự quấy rầy nào. Nhưng bạn cũng có thể tận dụng 10 phút trong lúc đậu xe trước khi vào văn phòng, hoặc ở trường khi bạn đưa con đi học…
Những phút đó là cơ hội để tinh thần bạn được chuẩn bị sẵn sàng cho cả ngày dài và bận rộn phía trước. Bạn cảm thấy thế nào? Tâm hồn bạn đang khao khát điều gì? Phẩm chất nào bạn muốn có được suốt cả ngày – tri giác nhạy bén, tâm hồn thanh thản, hay một tấm lòng rộng mở?
Vào buổi tối, bạn hãy dành một phút để xem xét lại những việc đã xảy ra trong ngày, lưu ý xem việc khởi động buổi sáng của mình có hiệu quả không? Bạn có thấy mình dễ hồi phục và linh hoạt hơn không? Bạn có trải qua một ngày lạc quan hơn hay không? Điều gì được và chưa được? Việc học tập thường xảy ra sau khi sự việc kết thúc và chúng ta bắt đầu quá trình nhận xét phản hồi, vì vậy hãy bỏ ra một phút vào buổi tối để xem khởi động buổi sáng của bạn có hữu dụng hay không.
Hãy làm thử một tuần, sau đó, quyết định xem bạn sẽ chọn cách nào hiệu quả nhất để thực hiện thường xuyên việc khởi động buổi sáng của mình. Nguồn kiên nhẫn của chúng ta sẽ được làm đầy bằng những lưu ý nhỏ nhất về nhu cầu của bản thân.
KHI NÀO KIÊN NHẪN? BAO NHIÊU CÁCH KIÊN NHẪN?
Trước tiên bạn phải có thật nhiều kiên nhẫn để học cách kiên nhẫn.
– Stanislaw J. Lec
Khi chúng tôi đến Trung Quốc nhận Ana làm con nuôi, bé mới được một tuổi và sức khỏe thì thật thảm hại. Ana thậm chí không thể tự quay từ trước ra sau, chỉ nặng khoảng 6,5kg và mông bị bỏng độ hai do nằm lâu trên nước tiểu. Ngay khi tôi nhìn thấy bé, bản năng làm mẹ của tôi trỗi dậy. Tôi quyết định: báu vật này đơn giản chỉ cần tình yêu thương và sự chăm sóc thật sự để có thể phát triển khỏe mạnh.
Từ giây phút đó, tôi đã có tất cả sự kiên nhẫn mà mình cần. Tôi từ bỏ việc theo dõi một cách máy móc biểu đồ phát triển có trong văn phòng bác sĩ nhi khoa, trong đó ghi các tiêu chuẩn phát triển bình thường của trẻ em. Tôi từ bỏ việc so sánh chiều cao và cân nặng của con với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Khi lên ba, Ana bị mắc tật nói lắp nhưng tôi đã không quá lo lắng vì vấn đề này. Tôi cho bé thời gian để thích nghi bằng cách riêng của mình.
Don và tôi cùng giúp con. Chúng tôi cho Ana ngủ chung cho đến khi bé bốn tuổi, và thay vào quãng thời gian Ana phải đi mẫu giáo, chúng tôi đi dạo với con. Hiện nay Ana đã được năm tuổi rưỡi, và thật tuyệt là bé thông minh, xinh xắn, nói năng rõ ràng mạch lạc, là quán quân môn nhảy Hula (một vũ điệu Hawaii) và sắp vào lớp mẫu giáo lớn.
Ana là bằng chứng cho thấy tình yêu có thể chiến thắng tất cả, và bé còn là động lực giúp tôi có thể tập trung kiên nhẫn một cách dễ dàng.
Bạn cũng có thể rất kiên trì đối với việc gì đó, và khi bạn càng tìm hiểu về những điều có thể giúp mình phát triển tính kiên nhẫn, bạn sẽ càng chắc chắn rằng mình có thể sử dụng nó một cách hiệu quả trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là một cách để bắt đầu. Hãy bỏ vài phút để liệt kê những lúc bạn tự nhiên kiên nhẫn. Đó có phải là kiên nhẫn với một người nào đó? Với trẻ em hay người lớn, hoặc còn hơn thế nữa, với con thú? Hay như con gái tôi, kiên nhẫn trong việc làm những đồ vật bằng tay? Bạn có kiên trì để đạt được mục tiêu cuối cùng, cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa? Ở đâu sự kiên nhẫn của bạn được thể hiện và thể hiện như thế nào?
Bây giờ hãy xem danh sách của bạn, và nghiên cứu những tình huống bạn thành công, nghĩ về những yếu tố tạo nên khả năng kiên nhẫn của bạn những lúc đó. Có thể bạn không ý thức về điều này, nhưng thực sự bạn đang khởi sự tính kiên nhẫn của mình đấy. Đó có thể làcảm giác mà bạn có, một bức tranh mà bạn tượng tượng trong đầu, hay một câu nói mà bạn tự nhủ… Bạn đang làm một việc rất tốt cho bản thân là giúp mình giữ được lòng kiên nhẫn.
Khi một khách hàng của tôi, Bob, thực hiện bài tập này, anh khám phá ra rằng anh rất kiên nhẫn trong việc mổ xẻ, phân tích và hệ thống công việc, vì anh nhìn thấy bức tranh thành công của mình trong quá khứ và điều đó cho anh sự tin tưởng vào tình huống hiện tại.
Một khi bạn đã khám phá ra cách đem đến sự thành công nhờ kiên nhẫn, bạn có thể sử dụng chúng trong những tình huống cần thiết. Đối với Bob, mỗi khi chơi với bọn trẻ – công việc thường làm anh mất bình tĩnh – anh bắt đầu vẽ trong đầu bức tranh về một kết cục hạnh phúc ngay khi anh cảm thấy sôi máu lên. Cuối cùng, anh đã thường xuyên giữ được kiên nhẫn những khi ở nhà!
NHẬN RA VÀ ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG VIỆC LÀM MÌNH MẤT KIÊN NHẪN
Kiên nhẫn được nuôi dưỡng bởi một quá trình phân tích một cách có lý trí. Điều cốt yếu là chúng ta bắt đầu sự rèn luyện của mình trong sự bình yên một cách kiên nhẫn, chứ không phải trong lúc đang nóng giận.
– Đức Dalai Lama
Mẹ của bạn bé Ana nói với tôi rằng buổi sáng là quãng thời gian tồi tệ nhất đối với bà khi bà phải kiên nhẫn với ba đứa con nhỏ. “Tôi không biết tại sao nữa, – bà giãi bày, – có lẽ đó là áp lực phải ra khỏi nhà đúng giờ, nhưng thật tệ là gần như không có sáng nào tôi thực hiện được.”
Lời bà gợi tôi nhớ tới những lần tôi dễ mất kiên nhẫn nhất. Đó là những khi phải xếp hàng chờ đợi hay lúc phải làm những công việc tỉ mỉ. Làm gì đó bằng tay quả thực là một thử thách khủng khiếp đối với tôi. Khi còn ở trung học, tôi phải học may, và chị tôi luôn bỏ ra khỏi nhà để khỏi phải nổi cáu khi nhìn thấy tôi lôi máy may ra!
Mỗi chúng ta đều có thể mất kiên nhẫn vì những nguyên nhân khác nhau. Đối với mẹ tôi đó là sự lộn xộn, bừa bãi làm bà chướng mắt như: đồ chơi vứt lung tung, quần áo vứt trên sàn, giường chiếu không sắp xếp gọn gàng. Đối với chồng tôi đó là khi bị bé Ana cắt ngang trong lúc anh đang cố nói với tôi điều gì đó. Còn bạn, điều gì khiến bạn mất kiên nhẫn? Ngay bây giờ, hãy bỏ ra vài phút để lưu ý, viết ra hay nghĩ trong đầu xem khi nào và ở đâu bạn dễ có khuynh hướng bị mất kiên nhẫn nhất.
Khi nhận thức được chính xác những sự việc làm mình mất kiên nhẫn, chúng ta sẽ biết cách phản ứng có hiệu quả hơn.
Hãy xem lại danh sách của mình. Có điều gì bạn có thể tránh được khi phải đối mặt lần nữa không? Hoặc nếu không thể tránh được, bạn có thể chấp nhận sự thật rằng đó là việc khó khăn đối với bạn hay không? Có lần tôi nghe ai đó nói rằng: “Tôi đang làm công việc này một cách tốt nhất mà tôi có thể. Nếu tôi có thể làm tốt hơn, chắc chắn tôi sẽ làm”. Điều đó thật là tuyệt vời, người ấy đã thành thật với bản thân, và thật sự là người ấy muốn tiến bộ mà không tự ràng buộc hay gò bó gì bản thân mình.
Cũng như đối với sự vụng về của mình, tôi kiên quyết chuyển những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và liên quan đến máy móc đó cho chồng tôi hay cho cô con gái năm tuổi rất khéo tay của tôi. Khi phải tự mình làm gì đó liên quan đến máy móc, tôi tự nhủ rằng việc này sẽ rất khó đối với tôi, và tôi lại có thêm một chút kiên nhẫn để thực hiện nó.
ĐẶT RA TÍN HIỆU CẢNH BÁO SỚM
Rắc rối ư? Chúng chính là những cơ hội ẩn dưới hình thức công việc.
– Henry J. Kaiser
Có lần, cô bạn Cynthia than thở với tôi là không hiểu vì sao cô rất dễ nổi cáu. Dù mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp, cô vẫn đột nhiên không còn kiên nhẫn, đánh mất sự tự chủ và nổi giận. Cô thở dài: “Chỉ trong vòng một phút tôi đang từ một người dễ thương bỗng trở thành bà già khó tính. Tôi dường như chẳng thấy tín hiệu gì báo hiệu cơn thịnh nộ của mình cả”.
Thật vậy, mất bình tĩnh giống như những cơn giông mùa hè, bất chợt nổ ra giữa lúc trời xanh quang đãng, khó có thể lường trước được! Mỗi khi mất bình tĩnh, hãy lưu ý rằng ta không có nhiều cơ hội để thay đổi, ngoại trừ cố gắng gây ra càng ít thiệt hại càng tốt. Và sau khi sự việc xảy ra, hãy biết cách sửa chữa hoặc đối xử tử tế với bản thân cũng như những người xung quanh. (Như xin lỗi chẳng hạn!)
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu cảnh báo cơn thịnh nộ của chúng ta, chỉ là ta không để ý mà thôi. Gary Mack – nhà tâm lý học chuyên về lĩnh vực thể thao – gọi đó là những tín hiệu cảnh báo sớm.
Bước thứ nhất trong quá trình rèn luyện của chúng ta là lưu ý xem tín hiệu cảnh báo của mình là gì. Đối với tôi, tín hiệu cảnh báo là lúc tôi tự nhủ: “Mình không thể chịu đựng điều này thêm chút nào nữa!”. Đối với bạn, có thể đó là cảm giác nghẹt thở, hay tim đập nhanh… Hãy thoải mái, thư giãn khi bạn đang thăm dò tìm hiểu. Hãy để ý đến những cảm giác dù là nhỏ nhất mà mức độ lưu tâm thông thường của bạn đã không để ý đến. Cách tìm hiểu tốt nhất là sau mỗi lần mất bình tĩnh, hãy tìm hiểu lại xem điều gì đã xảy ra trong suy nghĩ của bạn ngay trước khi bạn bị mất bình tĩnh.
Một khi bạn đã biết được tín hiệu cảnh báo sớm của mình là gì, hãy chuyển sang bước thứ hai. Mỗi khi nhận thấy những dấu hiệu ấy, bạn hãy làm một điều gì đó hơi khác thường: Đứng lên, vẽ nguệch ngoạc gì đó, hay hát thầm một đoạn nhạc đơn giản… Khi ngắt quãng được quá trình khiến bạn từ kiên nhẫn sang sắp mất kiên nhẫn, bạn sẽ tăng khả năng giữ được điềm tĩnh.
Khi Cynthia thử làm theo lời khuyên của tôi, đầu tiên cô không thể nhận biết được tín hiệu cảnh báo sớm của mình là gì. Nhưng bằng cách thật chú ý vài lần, cô phát hiện ra rằng ngay trước khi cáu kỉnh, cô đã dựng lên một cảnh gây hấn khủng khiếp ở trong đầu. Và thế là cô ấy khắc phục việc này bằng cách ngay lập tức bắt đầu tự ngân nga “Bạn là niềm vui của tôi” trước khi viễn cảnh khó chịu kia xuất hiện. Và nó đã có tác dụng, cô ấy đã thật sự chế ngự được cơn nóng giận của mình!
Sao bạn không thử làm giống Cynthia? Hãy tìm hiểu xem dấu hiệu cảnh báo sớm của bạn là gì và tìm cách ngăn chặn tiến trình giận dữ. Đó là cách thật sự hiệu quả khiến cơn lốc mất kiên nhẫn không thể đến vào lúc bạn chưa kịp nhận thức rõ điều gì sắp xảy ra. Nó sẽ trôi tuột ra biển mà không thể cuốn theo bạn!
TẬP THỞ
Không có gì hiệu quả hơn việc hít sâu và thở chậm để gạt bỏ điều gì đó mình không thể kiểm soát được trong đầu và tập trung vào những gì đang ở ngay phía trước.